Làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu

Trà Nhiêu - Một trải nghiệm độc đáo tại Duy Xuyên

Làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, với tổng diện tích tự nhiên là 147 ha, Phía Đông giáp cửa khẩu Trà Lộ, phía Bắc giáp Kim Bồng- Cẩm Phô, phía Tây giáp Bàn Thạch, phía Nam giáp sông Thu Bồn. Du khách có thể đến Trà Nhiêu bằng 2 tuyến khác nhau, có thể từ khu di tích Mỹ Sơn bằng đường bộ đến ngã ba Nam Phước theo trục đường 610 về hướng Đông khoảng 10 km, và từ  đô thị cổ Hội An bằng đường thủy xuôi theo nhánh sông Thu Bồn hướng Đông Nam khoảng chừng 3 km, quý khách sẽ được đón tiếp tại cổng làng Trà Nhiêu nơi có bến xe và bến thuyền. Trải qua nhiều biến cố, thời gian và không gian và đã qua nhiều thay đổi, tư liệu lịch sử lưu truyền chưa thu nhận tra cứu đầy đủ, không ai biết chính xác dân cư sinh sống trên làng Trà Nhiêu có tự bao giờ, ai là người có công dựng ấp, lập thôn. Tuy nhiên, theo sử cũ ghi lại, từ TK XVI- XVII, đây là nơi giao lưu buôn bán nhộn nhịp bởi địa thế thuận lợi của các nhánh sông: Thu Bồn, Ly Ly, Trường Giang đổ ra Cửa Đại Chiêm, ghe bầu từ Nam Bắc vô ra và tàu thuyền buôn bán của các thương nhân ngoại quốc thường lui tới trao đổi hàng hóa biến nơi đây thành cảng thị sầm uất một thời. Nơi đây còn nền móng và bia cổ của miếu thờ Quan Công do người Tàu xây dựng, đây là miếu được xây dựng trước phố cổ Hội An, giữa làng có ngôi đình do 4 tộc họ trong thôn đóng góp xây dựng để thờ các vị tiền bối, cư dân các nơi lần lượt về đây sinh cơ lập nghiệp; cho đến ngày nay, làng Trà Nhiêu quy tụ trên 30 tộc họ lớn nhỏ. Nhiều dấu  tích nơi đây vẫn còn như: cây đa, đình làng, miếu thờ Quan Công, chùa Ông...càng minh chứng rõ nét cho bề dày lịch sử, văn hóa của vùng đất này. 


Đến với Trà Nhiêu, quý khách có thể cảm nhận được nét làng quê yên bình với những con đường làng uốn lượn dưới bờ tre xanh rợp bóng, xuyên qua hàng chè tàu phủ dây tơ hồng vàng óng, những ngôi nhà ẩn hiện dưới hàng cau tít tắp. Người Trà Nhiêu sống hiền hòa, chất phát, chân quê; thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, đoàn kết chống giặc giữ nước xây dựng quê hương. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhân dân nơi đây đã lợi dụng địa hình, địa thế là rừng dừa nước để nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng và ngăn chặn, đánh bại nhiều trận càng quét của địch. Qua 02 thời kỳ kháng chiến, làng Trà Nhiêu có: 97 người con đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, 04 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 41 thương bệnh binh. 

Làng Trà Nhiêu có nhiều ngành nghề đa dạng: trồng trọt chăn nuôi, đánh bắt thuỷ hải sản trên sông và trên biển, nghề chiếu cói truyền thống, nghề chằm lá dừa nước... Đến đây quý khách có thể thưởng thức nhiều món ăn truyền thống được chế biến từ sản vật của vùng sông nước như: hến, sìa, sứa, bún biển, lạch tươi, tôm, cua, cá, ghẹ... và nhiều món ăn dân gian đậm đà hương vị quê hương: khoai, sắn, bắp...luộc; mì quảng, bánh đập, bánh bèo,... uống nước chè xanh. Trong lộ trình tham quan làng Trà Nhiêu, quý khách còn được phục vụ món ăn tinh thần với hô hát bài chòi, hò khoan đối đáp, hát bả trạo...Quý khách còn có thể mua sắm những món hàng thủ công mỹ nghệ do nhân dân địa phương làm nên để làm quà tặng cho bạn bè thân hữu sau mỗi chuyến tham quan trở về.

Đến với làng quê Trà Nhiêu, du khách có thể tận mắt nhìn thấy các công đoạn trong quá trình tạo ra những sản phẩm thủ công mang tính đặc trưng và truyền thống của người dân nơi đây:


Nghề dệt chiếu truyền thống:

Nghề dệt chiếu là nghề thủ công có từ lâu đời của người dân làng Bàn Thạch nói chung và làng Trà Nhiêu nói riêng, được sử dụng nguyên liệu gồm cây đay và cây lát thích nghi với điều kiện đất đai thổ nhưỡng của địa phương. Đến với Trà Nhiêu, quý khách sẽ thích thú khi nơi này lúc nào cũng đầy màu sắc từ trong nhà ra ngoài ngõ bởi những sợi lát xanh, đỏ, vàng, trắng, tím...Thật thú vị nếu được tận mắt chứng kiến cảnh tất bật của những người thợ lành nghề với những bàn  tay khéo léo bên khung dệt, cọng lát, sợi đay...để sản xuất ra những chiếc chiếu xinh xắn, đẹp mắt, thực sự là một “bức tranh hài hòa về màu sắc” của những “họa sĩ nông dân” và quý khách có thể mua những sản phẩm thú vị này về làm quà cho người thân và bạn bè với nhiều kích thước và chủng loại theo yêu cầu của người sử dụng. 

Nghề chài lưới và đánh bắt thủy sản trên sông:

Với diện tích mặt nước bao la, trãi dài, vùng sông nước Trà Nhiêu có phong cảnh đẹp yên bình và nhiều loại thủy sản quý và đa dạng, góp phần nuôi sống cả vạn cư dân ven sông sống bằng nghề đánh bắt truyền thống. Đến đây, du khách có thể tham gia các hoạt động của nghề sông nước này giống như những ngư dân thực thụ, có thể lênh đênh trên thuyền đánh lưới nỗi bắt cá, đánh lưới chìm bắt tôm, cua, ghẹ; du khách có thể ở lại nhà dân vào những đêm trăng cùng sinh hoạt hát hò khoan đối đáp, hát bả trạo trên thuyền... và du khách có thể cảm nhận được nét làng quê yên bình và tính hiếu khách của người dân nơi đây mà không nơi nào có được. Ngư dân Trà Nhiêu ngoài đánh bắt thủy sản trên sông còn có nghề vá lưới thủ công để tái sử dụng khi lưới hỏng. Khi tàu đánh thủy hải sản về bến, nhiều chị em phụ nữ ra nhận lưới kiểm tra và vá lại những chiếc lưới bị hỏng để tàu kịp chuyến ra khơi. Nghề vá lưới hiện nay không những tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ mà còn giúp họ thoát nghèo, làm giảm lượng lao động nhàn rỗi. Hình ảnh chị em phụ nữ ngồi vá lưới còn tạo nên nét đẹp mang tính văn hóa truyền thống của một cụm ven cánh Nam của làng Trà Nhiêu.

Nghề chằm lá dừa nước:

Với đặc điểm vùng đất nhiễm phèn mặn rất phù hợp cho cây dừa nước phát triển, từ lâu người dân Trà Nhiêu đã biết sử dụng lá dừa nước để lợp nhà vừa chống nóng về mùa hè vừa ấm áp về mùa đông. Đặc biệt với bàn tay của người thợ chằm thì lá và thân cây dừa đã trở thành nguyên liệu trang trí tuyệt đẹp cho các khu nhà nghỉ, các quán xá dịch vụ giải khát cà phê, ăn uống. Đến đây, quý khách sẽ thấy xuất hiện đâu đó những ngôi nhà làm bằng lá dừa tinh xảo tô điểm thêm cho không gian yên ả của làng quê sông nước. Hiện Trà Nhiêu có 05 hộ chuyên làm nghề chằm lá dừa nước đáp ứng cho nhu cầu trong và ngoài địa phương.

Khu nhà vườn:

Do điều kiện kinh tế phát triển, và để chống chọi với thiên tai bão lũ nên mô hình nhà lá dừa dần dần nhường chỗ cho nhà  những ngôi nhà xây tương đối vững chắc, song với những khu vườn rộng được trồng cau, những hàng cau vươn mình thẳng tắp đến mùa ra hoa tỏa hương thơm ngát và kết thành buồng trĩu trái với  những hàng rào chè tàu được cắt tỉa công phu. Dưới hàng cau người dân còn trồng nhiều loại rau vừa đảm bảo rau sạch phục vụ cho các bữa ăn hằng ngày vừa cung cấp cho thị trường chợ Bàn Thạch và Hội An, những ngôi nhà được bố trí sâu vào trong khu vườn, bóng cau rợp mát lối đi, tạo cho du khách cảm giác thật mát mẻ trong những ngày hè oi ả. Đến đây, du khách có thể thưởng thức cảm giác êm dịu với chiếc võng đu đưa dưới vườn cau rợp mát, được tận hưởng những làn gió mát lạnh từ biển thổi vào và nghe tiếng chim hót thì không gì thú vị bằng. Hiện làng Trà Nhiêu có 15 hộ có nhà vườn đẹp và dịu mát như thế, sẽ là nơi đón du khách muốn tìm đến một nơi thôn dã yên binh.

Khu dừa nước:

Khu dừa nước nằm về phía đông của làng trà Nhiêu, đã được các bậc tiền bối nhân trồng cách đây trên 300 năm với tổng diện tích khoảng 60 ha, song do chiến tranh tàn phá và sự xói lỡ bởi dòng chảy của các nhánh sông Thu Bồn, Trường Giang và Ly Ly nên diện tích khu dừa hiện còn khoảng 10 ha. Do cây dừa có nhiều tác dụng nên nhân dân luôn bảo vệ đôn trồng và tồn tại cho đến ngày nay, nhân dân dùng thân và lá dừa nước để lợp nhà, làm phên che chắn bằng cách đốn phơi khô hoặc kết từng tàu kết từng tấm...Đặc biệt trong chiến tranh, khu dừa nước này là nơi để nuôi giấu cơ sở cách mạng hoạt động, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng; ngăn chặn, đánh bại nhiều trận càng quét của địch và nhân dân du kích địa phương còn dùng bẹ dừa làm súng giả nhằm nghi binh, uy hiếp tinh thần của bọn ngụy tề. Để bảo tồn khu dừa nước, hiện địa phương đang tra cứu các tư liệu để đề nghị cấp trên công nhận di tích cấp tỉnh. Đồng thời để du khách có thể thăm quan khu dừa nước, địa phương đầu tư xây dựng cầu tre dài gần 100m và bến thuyền để du khách có thể đi xuyên vào rừng dừa thưởng ngoạn và câu cá.

Những trải nghiệm của khách du lịch tại đây sẽ đem lại cảm giác thật thú vị và thoải mái, tuy mộc mạc đơn sơ nhưng mang đậm chất làng quê đặc trưng của miền Trung Việt Nam.




Chưa có bình luận nào

Điểm đến