Bảo tàng văn hoá Sa Huỳnh- Chăm pa điểm nối hai miền di sản
Bảo tàng Văn hoá Sa Huỳnh - Chămpa Duy Xuyên nằm trong khu vực Kinh đô Simhapura xưa, nay là thôn Kiệu Châu xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thuộc quản lý của Ban QL Di sản văn hóa Mỹ Sơn
Bảo tàng được xây dựng mô phỏng theo môtip Kalan Chăm, toạ lạc trên một chân đồi thoáng mát. Ngoài công trình kiến trúc, khuôn viên Bảo tàng được quy hoạch, xây dựng như một Hoa viên đã tạo cho Bảo tàng một toàn cảnh đẹp, thơ mộng bên sườn đồi. Với vị trí nằm cạnh đường ĐT 610, trong tuyến du lịch Hội An-Mỹ Sơn nên Bảo tàng rất thuận lợi trong việc tiếp cận du lịch.
Khu vực Bảo tàng có diện tích 4.686 m2, bao gồm các công trình nhà Bảo tàng; khu vực bãi đỗ xe; khu vực bán hàng lưu niệm, giải khát và biểu diễn sản xuất nghề thủ công; Công trình vệ sinh được xây dựng hiện đại đảm bảo yêu cầu phục vụ du khách; thành lập Đội PCCC cơ quan, có Nội quy, Quy chế hoạt động, có hệ thống phòng cháy chữa cháy đảm bảo an toàn cháy nổ.
Nhà Bảo tàng có diện tích sử dụng 929 m2 gồm 2 tầng, diện tích trưng bày 475 m2. Với hơn 200 hiện vật văn hoá Sa Huỳnh - Chăm pa được trưng bày tại Bảo tàng là một minh chứng trung thực, khách quan, phần nào đã phản ánh được đời sống kinh tế - xã hội thời sơ khai. Bảo tàng là nơi lưu giữ, giới thiệu với công chúng và cung cấp tư liệu góp phần cùng các nhà khoa học nghiên cứu tìm về đời sống của cư dân cổ, về một nền văn hoá thời Tiền - Sơ sử đã từng tồn tại trên đất Duy Xuyên cách đây 2.500 năm.
Bệ voi 4 mặt
Bảo tàng sở hữu những hiện vật độc đáo, khác biệt của 2 nền văn hoá mà những nơi khác không có được như Bệ Voi 4 mặt; Linga - một tác phẩm lớn về kích thước, lạ về hình dáng và chất liệu đá mà từ trước đến nay chưa từng thấy trong văn hoá Chăm; Các loại chum mộ; Gương đồng thời Tây Hán, cư dân Sa Huỳnh đã giao lưu mà có được.
Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba nền văn hoá cổ xưa theo trục Bắc-Nam đồng đại trên đất Việt cùng với Văn hoá Đông Sơn phía Bắc, Văn hoá Óc Eo phía Nam.
Văn hóa Sa Huỳnh phân bố ở hầu khắp các tỉnh miền Trung với mật độ dày đặc ở lưu vực các con sông và vùng ven biển. Nhưng hội tụ những đặc sắc và điển hình của nền văn hóa này ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam.
Mộ chum- văn hoá Sa huỳnh
Văn hoá Sa Huỳnh ở Duy Xuyên được phát hiện lần đầu tiên tại Trung Phường (Duy Hải) vào năm 1985. Sau đó đã phát hiện và khai quật được nhiều di tích Văn hóa Sa Huỳnh trên địa bàn huyện, điển hình là Gò Mả Vôi, Gò Dừa. Tất cả các di tích này đều có niên đại muộn: Cận, kề Công nguyên, chúng phân bố ở cả những bãi cát ven sông và trên các đồi gò. Tại các địa điểm đã được khai quật và nghiên cứu trên cho thấy cư dân văn hóa Sa Huỳnh ở Duy Xuyên không những chỉ có liên hệ giao lưu văn hóa rộng rãi với các cộng đồng cư dân phía Nam mà họ còn giao lưu văn hóa mạnh mẽ với các cộng đồng cư dân phía Bắc.
Qua những di tích cư trú phát hiện có thể khẳng định qua chứng cứ gián tiếp rằng chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh là những cư dân bản địa sống trên đất liền với xu hướng hướng ra biển mạnh mẽ nhằm khai thác biển và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Những di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Duy Xuyên tiếp tục cho chúng ta những góc nhìn mới về nền văn hóa này.
Sau những lớp người Tiền sử, Sơ sử ấy, Duy Xuyên tiếp tục là địa bàn sinh tụ và phát triển của cư dân văn hóa Chăm pa (thế kỉ II đến thế kỉ XV), tạo ra một nền văn hoá mới rực rỡ trên sự kế thừa và phát triển văn hoá Sa Huỳnh theo một hướng khác mà đỉnh cao là phong cách Trà Kiệu. Duy Xuyên là mảnh đất mà dấu ấn Chăm pa cổ đại được biểu hiện một cách hoành tráng và rực rỡ nhất.
Bảo tàng là nơi lưu giữ những hiện vật của một nền văn hoá đa tầng, đa dạng thấm đẫm tính nhân văn trong nền văn hoá chung Việt Nam.
Đến Bảo tàng Văn hoá Sa Huỳnh - Chămpa Duy Xuyên ngoài việc tìm hiểu hai nền văn hoá Sa Huỳnh – Chăm pa qua hiện vật trưng bày và phim tài liệu, quý khách còn được xem biểu diễn văn nghệ dân gian, nghề truyền thống, mua hàng lưu niệm và thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mát mẻ nơi đây. Nếu quý khách có yêu cầu, thuyết minh viên của Bảo tàng sẽ hướng dẫn du khách đến với các di chỉ khảo cổ học và điểm tham quan quanh vùng như: Làng Ươm tơ dệt lụa Đông Yên; Thung lũng Chiêm Sơn Tây với một quần thể phế tích có giá trị khảo cổ học như Chùa Vua, Triền Tranh... đến với lễ hội Bà Chiêm Sơn; tham quan di tích quốc gia Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu; Nhà thờ Thiên Chúa giáo Trà Kiệu với lễ rước kiệu Đức Mẹ (31/5); Khu du lịch sinh thái Duy Sơn; Hành hương về thánh địa Mỹ Sơn theo con đường mà ngày xưa cư dân Chăm pa đã hành hương từ Kinh đô đến thánh địa.
Với sự hấp dẫn, phong phú của hiện vật trưng bày, của cảnh quan thiên nhiên và kết cấu hạ tầng đảm bảo, thuận lợi trong việc tiếp cận, Bảo tàng Văn hoá Sa Huỳnh – Chăm pa Duy Xuyên có đủ điều kiện để đón tiếp, phục vụ ít nhất trên 10.000 lượt khách tham quan, cao nhất 15.000 lượt khách tham quan một năm.
Chưa có bình luận nào